Skip to main content
Love YOUR Emotions

Love YOUR Emotions

By Love YOUR Emotions

Chào mừng bạn đến với Love YOUR Emotions podcast. Chương trình mong muốn được giúp bạn yêu mến và đón nhận tất cả những cảm xúc đến với bạn mỗi ngày.

Chào bạn, mình là Thảo. Mình hiện là Executive Coach, là nhà sáng lập Overflowingbuckets, có chứng chỉ Gallup Certified Strengths Coach, Professional Certified Coach của Liên đoàn Coaching Quốc tế và là đồng tác giả của sách Hello Emotions!

Mình luôn tin tưởng vào Mindfulness và đang theo đuổi sứ mệnh giúp mọi người yêu bản thân mình hơn, mỗi ngày một chút.
Currently playing episode

Episode 4: 7 bước làm nên một yêu cầu hiệu quả

Love YOUR EmotionsMar 31, 2022

00:00
10:35
Episode #19 - Hy vọng (Hope)

Episode #19 - Hy vọng (Hope)

Thông điệp của Hy vọng (tạm dịch từ Hope): I believe the future will be better than the present or the past.

Trong thế giới vài trăm cảm xúc thì Hy vọng là cảm xúc mà mình đã rất ít quan tâm. Chính xác hơn là mình đã né tránh Hy vọng. Mình đã đánh đồng Hy vọng và Kỳ vọng với cái suy nghĩ “Hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn”.

Cho đến khi mình nhận ra Hy vọng là cảm xúc có thể giúp mình vượt qua những thời khắc đen tối của Mất hết hy vọng (tạm dịch từ Despair), Khổ sở (tạm dịch từ Misery) và Khiếp sợ (tạm dịch từ Terror).

Mời bạn lắng nghe câu chuyện của mình với Hy vọng. Đây là trải nghiệm mình có được hồi giữa năm 2021 khi Covid còn lộng hành quá chừng làm cho nhà nhà nơm nớp lo sợ. Tuy là “bối cảnh” đã cũ, nhưng mà cũng sẽ hữu ích với những bạn hay bị Lo Sợ lẽo đẽo theo làm bạn hoài.

Theo quan sát của mình trên hành trình coaching và hành trình đi chia sẻ kiến thức về cảm xúc thì khi mình lo sợ điều gì đó dai dẳng là do mình không tin rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn nếu mình phải mất đi một điều gì đó. Nhưng mà có thiệt vậy không? Có Hy vọng làm bạn, góc nhìn của mình sẽ thay đổi hẳn.

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

#loveYOUREmotions

Reference:

Hope: I believe the future will be better than the present or the past.

"The Field Guide to Emotions" by Dan Newby and Curtis Watkins.

Sep 13, 202206:22
Episode #18: Hoài niệm (Nostalgia)

Episode #18: Hoài niệm (Nostalgia)

Hoài niệm (tạm dịch từ Nostalgia) – một cái tên thật lãng mạn và ngọt ngào phải không? Vậy nên bạn có ngạc nhiên không nếu biết cảm xúc này có khả năng làm gục ngã những bạn/ anh chị leaders ở vị trí cao, chuyên nghiệp, thành công và cứng cõi?

Tuyệt chiêu của Hoài niệm là nhắc ta nhớ lại những kỷ niệm đẹp mình đã từng có ở công việc cũ, vị trí cũ, công ty cũ, nơi chốn cũ với những đồng nghiệp cũ. Nó có thể “dụ dỗ” mình ngồi hàng giờ nhìn ngắm lại những tấm hình xưa cũ. Rồi khi mình đang đắm chìm trong những khoảnh khắc thật đẹp bên những người thân quen, Hoài Niệm sẽ “lén lút” gọi thêm Buồn và Hối tiếc. Ba đứa này sẽ kéo năng lượng của ta xuống thật thấp, làm cho những thử thách ta đang phải đối mặt trên hành trình phía trước càng trở nên khó khăn gấp bội.

Hoài niệm cũng có thể làm cho mối quan hệ của mình với sếp mới, team mới hoặc đồng nghiệp mới trở nên căng thẳng hơn vì nó luôn thì thầm, kêu mình so sánh những hình ảnh thật đẹp của sếp cũ/ team cũ/ đồng nghiệp cũ với những người mới.

Nơi mình làm việc ngày trước rất hay thay đổi cấu trúc công ty. Có một lần tụi mình phải trải qua một đợt tái cấu trúc lớn. Bản thân mình rất may là vẫn được làm công việc cũ, ở lại quốc gia mình yêu thích, mọi phúc lợi đều như cũ, chỉ duy nhất sếp bị thay đổi. Cái người sếp mình vẫn hay nói nửa đùa nửa thật với anh ấy: “Đi đâu nhớ cho tui theo” đã không thể mang mình theo.

Cả team chao đảo. Giờ nhìn lại, mình nhận ra cả bọn đã chao đảo vì Hoài niệm.

Hễ có chuyện gì không hài lòng là cả bọn tụ họp lại thì thầm, so sánh hồi xưa sếp cũ dễ thương, hiểu chuyện, truyền cảm hứng…. thế này, giờ sao tụi mình lại phải làm việc thế kia. Chẳng những Hoài niệm rủ được Buồn mà nó còn rủ thêm cả Tức (cảm thấy bất công sao tụi mình lại chịu cảnh này) và Ghét (luôn trong tâm thế muốn xin đổi team hoặc nghỉ công ty).

Chiêm nghiệm lại, mình nhận ra cả bọn đã bị nhấn chìm trong những đợt sóng cảm xúc lớn gây ra phần lớn bởi Hoài niệm, mà không nhận ra rằng tất cả những mối quan hệ tốt đẹp đều bắt đầu từ những thử thách.

Hồi mới được chuyển vào team của anh sếp dễ thương, mình cũng mất hơn 6 tháng để tìm hiểu và làm quen với cách làm việc của ảnh. Mình cũng phải hỗ trợ ảnh rất nhiều để xây dựng chữ tín. Rồi rất đôi khi vì bận việc quá ảnh cũng bỏ bê không họp team để coach hay mentor cho mình.

Sếp mới có lần đã gọi riêng mình ra và hỏi rất thẳng “Bạn đã nghe người khác nói gì về tôi?”. Tại giây phút ấy, mình hiểu chị ấy mong muốn tìm cách làm việc tốt hơn với mình và team nhưng mình đã chọn cách từ chối không trả lời. Rồi mình được sếp mới đề cử thưởng bí mật giữa năm, chị ấy cũng nhờ sếp cấp cao gửi voice recording động viên khích lệ…

Tất cả những mặt “tối” của bức tranh cũ và mặt “sáng” của bức tranh mới là những điều Hoài niệm sẽ chẳng bao giờ cho chúng ta nhìn thấy. Đó chính là mấu chốt làm cho ta bị chao đảo khi gặp những thử thách đầu tiên trên hành trình mới. Đây là bài học lớn mình đã học được từ bạn cảm xúc này.

Mời bạn lắng nghe Episode #18 kể lại trải nghiệm lần đầu tiên mình nhận diện được Hoài niệm đang lẽo đẽo theo mình trong những ngày đầu trên hành trình coaching.

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach

#loveYOUREmotions

Jul 16, 202207:20
Episode #17: Love

Episode #17: Love

“Choose a job you LOVE & you will never have to work a day in your life” – Confucius. Nghe câu này nghe hay quá nhưng mà làm cách nào để tìm được công việc mình YÊU thích đây? Bạn nào đang rối rắm mà đến hỏi mình thì sẽ nhận được câu trả lời làm cho bạn càng rối rắm hơn. Chẳng phải mình muốn giấu mà vì YÊU nó đến với mình nhanh quá. Nhanh đến mức mà ở cái khoảnh khắc được tiếp xúc/ biết đến công việc này, mình chỉ có thể cảm nhận được tim đập những nhịp rất lạ, mình thấy háo hức, thấy rất vui. Niềm vui ấy kéo dài mấy ngày liền rồi nó thôi thúc, nhắc nhở mình cần phải lên kế hoạch hành động ngay lập tức: đi tìm học kiến thức mới, lấy các chứng chỉ và …nộp đơn xin nghỉ việc =)). Nếu các bạn không thể trải nghiệm “tình yêu sét đánh” như mình thì có thể tham khảo “công thức” của Susan Cain (tác giả của Quiet – The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking). Công thức này gồm ba bước chiêm nghiệm cả thảy. 1. Bạn thử nhớ lại xem lúc còn bé tí, khi mà đầu óc mơ mộng trên mây, chưa phải lo cơm áo gạo tiền hay thậm chí là các thứ hạng trong lớp thì bạn mơ ước được làm công việc gì/ hay trở thành người như thế nào? Điều gì của công việc đó làm cho bạn yêu thích? Ước mơ thời thơ ấu không nhất thiết sẽ là công việc bạn nên theo đuổi, nhưng nó sẽ cho bạn chút manh mối về con đường mà bạn có thể cháy hết mình mỗi sớm mai thức giấc. Ví dụ như hồi bé bạn mơ ước trở thành một đầu bếp thì công việc này có ý nghĩa gì với bạn? Bạn muốn trở thành một người có thể nấu những món ăn ngon tuyệt vời? Hay bạn thích được chơi với nồi niêu xoong chảo? Hay đơn giản là bạn thích được nếm/ thử những món ăn ngon? 2. Để ý xem hiện tại, có những dự án/ hoạt động nào mà bạn khao khát được làm/ được đóng góp cho dù là chẳng được trả tiền. Susan Cain là luật sư tốt nghiệp từ trường Harvard và rất thành công trong lĩnh vực của cô ấy trong nhiều năm. Tuy nhiên cô quan sát thấy mình không bao giờ xung phong làm thêm các dự án luật của công ty. Thay vào đó, cô sẵn sàng dành thời gian cho các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho phụ nữ, cho việc tham vấn, đào tạo và phát triển các bạn luật sư trẻ trong công ty. Những hoạt động tưởng chừng như “ngoài lề” mà bạn luôn sẵn sàng dành năng lượng để làm cũng sẽ là những manh mối quý giá cho công việc mà bạn sẽ yêu thích cả đời. 3. Cuối cùng, để ý xem bạn đang ganh tị điều gì từ những người xung quanh. Ganh tị là cảm xúc được dán nhãn “tiêu cực”, “xấu” nên chúng ta thường có xu hướng chối bỏ cảm xúc này. Nhưng mà Ganh tị đến là chỉ để nói cho chúng ta biết mình đang khao khát có được một điều gì đó mà thôi. Envy’s message: “I would like to have what that person has”. Susan kể rằng khi họp lớp, cô ấy chẳng hề thấy ganh tị chút nào khi bạn cùng lớp kể lại trải nghiệm được tham gia tranh luận tại Toà án Tối cao của Mỹ. Cô thấy mình ganh tị với những người bạn đã trở thành nhà văn hoặc nhà tâm lý học. Thật ngạc nhiên là kết quả của “tình yêu sét đánh” của mình lại khá trùng khớp với “công thức” của Susan. Thời thơ ấu mình thích đọc sách và viết văn. Mình đã gửi bài đến toà soạn mấy lần mà chưa bao giờ được đăng bài (tự an ủi là thư chưa dán tem =))). Đến giờ cả nhà vẫn còn nhắc mơ ươc hồi cấp 1 của mình là trở thành cô giáo dạy văn. Mình đã đậu văn cấp quận năm lớp 7 nhưng ba không cho sang học trường chuyên vì muốn mình học …Toán. Rồi trên con đường nghề nghiệp mười mấy năm qua, insights luôn là thứ mình khao khát tìm được cho dù là lúc làm công việc nghiên cứu thị trường hay coaching. Và giờ thì sao, mỗi ngày mình đều có thời gian thiền tập, chiêm nghiệm, tìm ra insights cho bản thân mình, giúp khách hàng tìm ra insights cho họ, luôn cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá mỗi khi được đi chia sẻ kiến thức về phát triển bản thân/ về cảm xúc và được viết blog chia sẻ mỗi tuần. Cách đây một năm, khi viết về vai tròn của cảm xúc YÊU (LOVE) trong việc chọn lựa nghề nghiệp, mình cũng hơi lăn tăn không biết có phải mình đã quá mù quáng hay không. Đến giờ thì đã có thể tự tin, LOVE là một phần không
Jul 12, 202207:06
Episode #16: Shame (Xấu hổ)

Episode #16: Shame (Xấu hổ)

Shame's message: I broke the standards of my community

The field guide to emotions by Dan Newby & Curtis Watkins

Mời bạn lắng nghe trải nghiệm của mình với Xấu hổ.

Jul 12, 202206:21
Episode #15: Sợ (Fear)

Episode #15: Sợ (Fear)

“Detachment is not that you should own nothing but that nothing should own you.” – Ali Ibn Abi Talib.

Khi bạn sợ một điều gì đó, bạn sẽ làm gì?

Fly (bỏ chạy)? Fight (chiến đấu đến cùng)? Hay freeze (bị đông cứng/ tê liệt)?

Mình đã trải qua cả ba trạng thái trên và nhận ra Sợ vẫn ung dung mở cửa vào nhà như chốn không người. Cho đến một ngày, mình nhận ra cái tính GIỮ CỦA của nó.

Thì ra Sợ không phải đến để hù dọa làm cho mình tim đập chân run, mất ăn mất ngủ. Nó đến để nhắc nhở mình: ột điều gì đó mình đang TRÂN QUÝ có thể bị MẤT.

Rồi mình cũng nhận ra, cho dù mình có cố gắng lên kế hoạch kỹ càng đến bao nhiêu để bảo vệ những gì mình đang trân quý, Sợ vẫn đến bên mình thì thầm nhắc nhở. Nó luôn luôn có thể tìm ra chỗ nào đó còn chưa ổn…

Khi mình sợ bị bệnh ung thư (sợ mất đi sức khoẻ quý giá)  ăn nhầm thực phẩm không sạch. Mình cố gắng tìm mua thực phẩm hữu cơ, học các phương pháp thực dưỡng khác nhau… Sợ vẫn đến nhắc nhở mình ở mỗi bữa ăn.

Khi mình sợ mất đi những người bạn thân, mình cố gắng kết nối, chia sẻ… Sợ vẫn hay thì thầm mỗi khi thấy đứa bạn thân trả lời tin nhắn cho có hoặc tụi nó lặng im không trả lời khi mình rủ đi chơi.

Rồi mình nhận ra rằng…

…Cuộc sống vô thường, cơ thể này dù có được trân quý đến đâu thì cũng héo tàn như những chiếc lá trên cành. Thay vì dành quá nhiều thời gian chăm sóc, lo sợ, mình sẽ chăm sóc vừa đủ và dành thời gian làm những việc có ý nghĩa để sau này có thể mỉm cười nhẹ nhàng như một chiếc lá rời cây.

… Tình cảm bạn bè phần nhiều nằm ở chữ Duyên, một mình mình cố gắng thôi chưa đủ. Hãy cứ làm hết sức, sống trọn vẹn hết mình.

Và mình nhận ra, khi mình có thể sống với tâm thế SẴN SÀNG BUÔNG BỎ những điều mình trân quý nhất. Sợ chẳng còn lý do gì để đến nhắc nhở mình.

Mình cũng học được rằng, BUÔNG BỎ chẳng phải là mình nên xa lánh, vứt bỏ hoặc sợ hãi phải sở hữu một điều gì đó. BUÔNG BỎ đơn giản là KHÔNG CÓ ĐIỀU GÌ CÓ THỂ SỞ HỮU tâm trí mình. 

Tuần này mời bạn lắng nghe Episode #15: Sợ kể lại trải nghiệm mình nhận ra tính GIỮ CỦA của Sợ và học cách buông bỏ điều mình đang trân quý.

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Jun 30, 202204:24
Episode #14: Arrogance (Kiêu căng/ Ngạo mạn)
Jun 17, 202209:35
Episode #13: Chấp nhận (Acceptance)

Episode #13: Chấp nhận (Acceptance)

Hôm nay mình sẽ kể cho bạn nghe trải nghiệm lúc mình “gặp” được Chấp nhận lần đầu tiên trong đời. Nói quá vậy thôi chứ mình nghĩ có lẽ mình đã gặp bạn ấy nhiều lần trong quá khứ. Nhưng những lần gặp ngắn ngủi ấy mình đã cố gắng phớt lờ và không muốn ai biết. Với mình, ở những năm tháng tuổi trẻ ấy, Chấp nhận là một đứa bạn chẳng nên mang khoe với ai. Chơi với Chấp nhận đồng nghĩa với đầu hàng và bỏ cuộc quá sớm.

Rồi một ngày kia, Chấp nhận đã đến và “mở mắt” cho mình. Nó cho mình thấy mình đã tốn rất nhiều thời gian, công sức cho những cuộc chiến vô nghĩa; rằng sẽ thông thái và khôn ngoan hơn khi hiểu và chấp nhận những quy luật của cuộc sống.

Khi mình chấp nhận những việc đến là phải đến. Mình thôi vùng vẫy hỏi tại sao rồi tốn năng lượng cho Tức. Thay vào đó là Tò mò tự hỏi bài học nào đang chờ đợi mình ở thử thách này.

Khi mình chấp nhận việc mỗi người đều có một góc nhìn riêng, quyết định bởi những trải nghiệm và kiến thức thu nhặt trên hành trình phát triển của mỗi cá nhân, mình có cái nhìn thấu cảm và có cách hành xử hợp tình hợp lý hơn. Thế là mình có thể chào tạm biệt Giận nhanh hơn.

Khi mình chấp nhận phiên bản không hoàn hảo của bản thân. Mình dễ dàng chào cắt đuôi Nuối tiếc khi bạn ấy vừa gõ cửa.

Khi mình chấp nhận cuộc sống vô thường, hiểu rằng chẳng có điều gì có thể nắm giữ mãi mãi. Mình học buông bỏ những điều mình đang trân quý và thế là Lo Sợ chẳng còn lý do để lẽo đẽo theo mình.

Khi mình chấp nhận rủi ro và nghịch cảnh là một phần của cuộc sống này. Mình thôi oán trách và học được cách sống can đảm hơn.

Với mình, Chấp nhận mang đến thật nhiều Bình an.

Mời bạn lắng nghe Episode #13 Chấp nhận. Trong episode này, mình kể lại một trải nghiệm giúp mình nhận ra sức mạnh kỳ diệu của Chấp nhận và chú ý mời bạn này đến chơi nhiều hơn để có thêm nhiều bước chân thong thả và bình thản trên hành trình của mình.

Bạn đã bao giờ trải nghiệm sức mạnh của người bạn cảm xúc dễ thương này?

Acceptance’s message: it is so even though I may not agree, endorse, or like it.

The Field Guide to Emotions by Dan Newby và Curtis Watkins

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Jun 17, 202206:10
EPISODE #12: CẢM THÔNG (SYMPATHY)

EPISODE #12: CẢM THÔNG (SYMPATHY)

Mình đã từng coi thường Sympathy (Cảm thông) và chỉ trân trọng Compassion (Thương) và Empathy (Thấu cảm). Lý do là vì trên hành trình coaching, Compassion và Empathy ngay lập tức giúp mình có thể cảm nhận cảm xúc, năng lượng của khách hàng, đoán biết và thấu hiểu cảm xúc họ đang trải qua và có một sự thôi thúc để giúp đỡ họ.

Trong trí tưởng tượng của mình, Sympathy không được “thông minh” như Compassion và Empathy. J Nó không thể thấu cảm cho người khác khi chưa tự mình trải qua tình huống tương tự.

Và rồi trên hành trình tìm hiểu thế giới cảm xúc, mình nhận ra rằng Sympathy là một trong những người bạn cảm xúc quan trọng mình có được mỗi khi vượt qua được một “bài kiểm tra” của cuộc sống.

Mình nhận ra Sympathy một khi đã được trải nghiệm, bài học nó học được sẽ theo nó cả đời. Nó chẳng những giúp mình có khả năng thấu hiểu cho người khác, trong tình huống tương tự, để không còn oán trách họ; nó còn giúp mình thấu hiểu và tha thứ cho chính mình. Sức mạnh của việc học từ trải nghiệm thật mãnh liệt.

…Nếu mình đã luôn là một manager hoàn hảo, chưa bao giờ gây ra lỗi lầm khi quản lý nhân viên, có lẽ mình không thể hiểu được tại sao có những manager lại hành xử như vậy. Ờ thì họ cũng có những nỗi sợ, áp lực, căng thẳng như mình ngày xưa. Và rồi nhiều năm sau, khi chính mình phải đối mặt với cùng nghịch cảnh mình đã gây ra cho người khác với cường độ của tất cả những lỗi lầm nhiều năm cộng lại, nếu không thể thấu hiểu và tha thứ cho chính mình, mình đã không thể nào tha thứ cho người kia và có lại bình an trong cuộc sống.

…Nếu mình chưa từng ganh tị rồi ghét ai đó đến mất ăn mất ngủ, đến mức chẳng thể tập trung làm gì khác ngoài việc bực tức mỗi khi nghe đến những cái tên đó; chắc chắn mình không thể vượt qua cục Tức vì bị ghét và ganh tị một cách vô lý. Vì mình hiểu ganh tị và bị ganh tị đều khổ sở như nhau.

Mời bạn lắng nghe episode #12: Cảm thông (Sympathy). Trong episode này, mình chia sẻ trải nghiệm lần đầu tiên mình nhận ra được sức mạnh của Cảm thông rồi bắt đầu quan sát và trân quý cảm xúc này hơn trên hành trình phát triển của mình.

Sympathy’s message: I have experienced something similar.

Empathy’s message: I am feeling what you are feeling.

Compassion’s message: I am with you in your challenges.

The Field Guide to Emotions by Dan Newby và Curtis Watkins.

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Jun 05, 202205:32
Episode #11: Sợ bị đánh giá

Episode #11: Sợ bị đánh giá

“I am not what I think I am, and I am not what you think I am. I am what I think you think I am.” Charles Horton Cooley.

Tạm dịch “Tôi không phải là hình ảnh tôi nghĩ về mình, và tôi không phải là hình ảnh bạn nghĩ về tôi. Tôi là hình ảnh tôi nghĩ bạn nghĩ tôi là như thế”.

Bạn cảm nhận điều gì sau khi đọc được câu này?

Một buổi tối cách đây vài hôm, khi đang đọc cuốn “Think like a monk” (#1 New York Times bestseller) của Jay Shetty thì mình cảm nhận tim nhảy loi choi, mắt đang lim dim vì đang bị cơn buồn ngủ kéo sụp xuống thì lại mở to ra vì não nhất định đòi đọc đi đọc lại những ba lần. Mình mỉm cười. Đó là dấu hiệu mình vừa tìm được điều gì đó thật insightful. Và thế là mình đặt Kindle xuống rồi suy ngẫm.

Mình thấy thú vị vì đã từ lâu mình nhận ra nỗi SỢ BỊ ĐÁNH GIÁ của mình được nuôi dưỡng bởi niềm tin là người khác đang nhìn thấy những điều mình chưa hoàn hảo, những thiếu sót chưa được khắc phục của chính mình. Nhưng mà hình như có nhiều điều mình nghĩ là người khác cho là thiếu sót lại là những đánh giá do bản thân mình tự nghĩ ra. Người khác chưa chắc đã có cùng những nhận định đó.

Một mẩu chuyện nhỏ là mấy tuần trước, mình làm hội thảo cho một leadership team. Trong hội thảo đó có các anh chị rất senior về cả tuổi đời và tuổi nghề. Có người đã gắn bó với công ty hơn hai mươi năm. Hôm ấy mình quan sát được cục hồi hộp khi giới thiệu về con đường nghề nghiệp của bản thân. Công ty mình làm lâu nhất chỉ 7 năm và đã thay đổi nghề đến 2 lần trên hành trình mười mấy năm rong ruổi của mình.

Mình quan sát thấy nỗi sợ bị đánh giá “không biết mọi người có nghĩ mình không kiên định trên con đường mình đã chọn, hoặc là dễ thích, chóng chán”. Vậy mà mình vừa giới thiệu xong thì các anh chị lại nói là ngưỡng mộ sự can đảm của mình vì đã dám đổi nghề hai lần để đi theo tiếng gọi của trái tim. Mình thở phào nhẹ nhõm. Trước đó vài phút mình đã nghĩ là các anh chị ấy nghĩ mình là “người không kiên định” và sự thật thì các anh chị ấy đã không nghĩ như vậy.

Thật thú vị phải không? Những nỗi sợ bị đánh giá có thể chỉ là do mình tự hù mình mà thôi.

Có thể bạn sẽ hỏi, vậy còn trường hợp người ta nói rõ đánh giá của họ cũng giống như mình đánh giá (tiêu cực) về mình thì sao? Thì cũng đâu có sao. Trải nghiệm của bản thân mình thì chắc chắn mình sẽ thấy không dễ chịu chút nào tại thời điểm nhận đánh giá đó. Nhưng rồi mình tin rằng mình đang trên hành trình phát triển bản thân. Mình không phải là một cá thể hoàn hảo. Mình chỉ là đang trên hành trình đi đến sự hoàn hảo ấy và luôn thay đổi không ngừng. Điều đó có nghĩa là những đánh giá tiêu cực đó có thể đúng ở thời điểm hiện tại nhưng sẽ không còn giá trị trong tương lai.

Mời bạn lắng nghe Podcast #11, mình sẽ kể cho bạn nghe trải nghiệm của mình về nỗi Sợ bị đánh giá. Theo quan sát của mình thì có vẻ như đây là nỗi sợ phổ biến nhất. Khi chúng ta sống trong một cộng đồng, việc lo lắng người khác nghĩ gì về mình, liệu mình có đang hành xử để được chấp nhận trong cộng đồng mình đang sống hay không là điều liên tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Hy vọng sau khi nghe trải nghiệm của mình, bạn sẽ có những quan sát thú vị về cách bạn đang cho và nhận đánh giá từ những người xung quanh, từ đó vượt thoát được những nỗi sợ bạn đang tự tạo ra cho chính mình.

May 27, 202206:35
Episode #10: Nuối tiếc (Regret)

Episode #10: Nuối tiếc (Regret)

Mình nhận ra Nuối tiếc luôn đến chơi với mình chẳng phải mỗi khi mình gặp thất bại một chuyện gì đó. Nó chỉ đến khi mình bắt đầu nhìn thấy nhiều chọn lựa mới, những thông tin/ phương án mà Nuối tiếc nghĩ sẽ mang đến thành công nếu mình có thể quay lại quá khứ một lần nữa.

Bạn có như mình… đắn đo giữa những job offers, tham khảo ý kiến bạn bè, ra quyết định, đi làm rồi mới nhận ra môi trường không phù hợp. Rồi nuối tiếc giá mà mình tìm hiểu thêm về môi trường ở nơi mới.

Rồi bạn có như mình… đắn đo ra quyết định chọn giải pháp y tế/ chăm sóc sức khoẻ cho người thân. Sau đó tự dày vò, nuối tiếc qua nhiều năm tháng, tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình chọn giải pháp còn lại?

Mình đã rơi vào “bẫy” của Nuối tiếc trong một thời gian dài. Chẳng những cứ ngồi tiếc nuối chuyện đã qua mà còn tự dằn vặt bản thân.

Khi hiểu được thông điệp của Nuối tiếc “Mình có thể làm khác đi nếu có cơ hội quay về quá khứ một lần nữa”, mình nhận ra nhiều bài học quý:

Làm sao mình có thể quay ngược thời gian trở về quá khứ và mang theo tất cả những thông tin/ kiến thức/ phương án… (mà mình chỉ có được sau khi phải nếm trải thất bại) để ra làm lại từ đầu? Những gì mình đã làm, đã quyết định là những điều mình đã làm tốt nhất trong khả năng, phạm vi kiến thức của mình tại thời điểm đó.

Và…

Có những việc cho dù mình có quay lại quá khứ để làm khác đi thì kết quả cũng không đổi. Có những việc ngoài mong đợi xảy ra là để giúp mình có sự chọn lựa tốt hơn. Những gì đến chắc chắn phải đến.

Mời bạn lắng nghe trải nghiệm của mình về Nuối tiếc trong podcast #10. Hy vọng sẽ hữu ích cho những bạn hay “được” Nuối tiếc ghé thăm.

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

May 12, 202207:18
Episode #9: Tội lỗi (Guilt)

Episode #9: Tội lỗi (Guilt)

Self-compassion (tạm dịch: Tự thương lấy chính mình).

Nếu bạn cũng như mình, là đã bắt đầu tìm hiểu về Self-compassion, chắc bạn cũng hiểu cảm xúc này quan trọng như thế nào trên hành trình phát triển của bản thân, của team bạn đang dẫn dắt và của những người quan trọng xung quanh bạn.

Ở vị trí của một team leader, nếu mình không biết thương bản thân mình, không bắt ép mình làm việc đến lăn ra ốm thì mình không thể nói câu “Team mình ơi, các bạn hãy chú ý đến sức khoẻ, đừng làm việc quá sức” một cách thật lòng; và chẳng thể nào trở thành một leader thật sự quan tâm đến team của mình. Với mình, đó là một hành trình dài và hiện tại mình cũng chỉ là đang đi từng bước thật chậm.

Trên hành trình này, mình nhận ra chẳng phải vì mình thiếu kiến thức về Self-compassion hay mình không biết làm cách nào để thực tập Self-compassion mà sự hiện diện của một vài bạn cảm xúc khó chịu chính là rào cản trên hành trình nuôi dưỡng Self-Compassion cho chính mình.

Dựa trên quan sát trên hành trình coaching và trải nghiệm của riêng mình thì Tội lỗi (tạm dịch từ Guilt) và Nuối tiếc (tạm dịch từ Regret) là hai cảm xúc chính đã đóng chặt cánh cửa không cho Self-compassion vào nhà.

Tội lỗi luôn xuất hiện mỗi khi mình gây ra một lỗi nào đó. Nó lại rất “lì”, theo mình khắp nơi làm cho mình luôn cảm thấy dày vò, khó chịu. Trong những tình huống đó thì mình đã hay chọn cách “trừng phạt bản thân” và điều này cũng giải thích tại sao mình có rất ít cảm thông nếu người khác cũng gây ra lỗi tương tự.

Nhưng mà đó là chuyện của ngày xưa. Từ hồi hiểu được thông điệp của Tội lỗi, mình đã dễ dàng “cắt đuôi” bạn này, có thêm nhiều Self-compassion và tận hưởng hành trình phát triển bản thân nhiều hơn (thấy mình trưởng thành hơn từng ngày mà ít đau khổ, vật vả như hồi xưa).

Trong episode #9: Tội lỗi, mình chia sẻ trải nghiệm chuyển hoá năng lượng khó chịu của Tội lỗi bằng cách đặt câu hỏi dựa trên thông điệp của bạn cảm xúc này. Hy vọng bạn nào hay bị Tội lỗi đeo bám sẽ có thể chuyển hoá được năng lượng và có thêm Self-compassion cho bản thân và từ đó có thêm Compassion cho những người xung quanh.

Thông điệp của Tội lỗi: "Khi làm điều đó, mình đã phá vỡ TIÊU CHUẨN của chính mình."

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Apr 27, 202207:08
Episode #8: Lo (Anxiety)

Episode #8: Lo (Anxiety)

Lo (tạm dịch từ Anxiety) là cảm xúc thú vị. Điều mình thấy thú vị là có rất nhiều bạn cảm thấy phiền toái khi có Lo bên cạnh nhưng nhất định cứ phải chơi với Lo. Các bạn ấy nói: Nếu mà không lo thì làm sao lường trước rủi ro, chuẩn bị và lên kế hoạch chu đáo cho tương lai?

Mỗi lần nghe những lập luận như vậy mình đều cười cảm thông. Ngày xưa mình cũng bị Lo nó “dụ dỗ” nhỏ to như vậy. Nó nói không có nó thì đời nào mình có được ngày hôm nay. “Biết lo” lại còn là niềm tự hào của mình mấy chục năm cơ mà. ;))

Nhưng mà mình cứ phải lo lắng lên kế hoạch/ tiên liệu ngày đêm để rồi hồi hộp, ăn không ngon, ngủ không yên vì sự hiện diện của Lo trong công việc và cuộc sống của mình hay không? Thật ra mỗi lần Lo ghé thăm là chỉ muốn nói với mình “có một điều gì đó có thể gây hại cho bản thân mình”. Nếu mình có thể “trò chuyện” cùng Lo, tìm ra điều có thể gây hại đó và có giải pháp

(1) tránh không cho điều ấy xảy ra hoặc

(2) chuẩn bị tâm lý/ kế hoạch cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra

…thì mình sẽ có thể chuyển hoá năng lượng của Lo thành bình an.

Mời bạn lắng nghe Podcast #8: Lo (Anxiety) kể về trải nghiệm của mình. Lo nó đã lẽo đẽo theo mình trong tất cả các cuộc họp với các anh chị quản lý cấp cao. Nhờ nói chuyện với nó mà mình nhận ra cái viễn cảnh “đen tối” nhất mà nó đang giữ trong lòng là: “không có được hợp đồng với khách hàng và thế là không được làm công việc yêu thích”.

Mình đã hình dung ra viễn cảnh đó và mình đã chấp nhận. Vì nếu mình dỡ thiệt, không đủ năng lực, không thể giúp ích cho người khác thì cũng nên chấp nhận kết quả này. Khi mình đã có thể chấp nhận tình huống xấu nhất, mình đã nhanh chóng chuyển hoá được năng lượng khó chịu của Lo thành kế hoạch hành động cụ thể, giúp mình sống và làm việc có thật nhiều bình an.

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Apr 21, 202206:17
Episode #7: Tức (Resentment)

Episode #7: Tức (Resentment)

Tức và Giận là hai “đứa” cảm xúc mà nhiều bạn hay nhầm lẫn. Đó là vì thông điệp của Tức và Giận giông giống nhau. Nếu Giận nói: “Chuyện này sai” thì Tức hay nói “Chuyện này thật bất công; đáng lẽ ra mình không phải chịu cảnh này”.

Điều khác biệt rõ ràng nhất là năng lượng của hai đứa. Giận hay xui khiến mình trừng phạt người đã làm chuyện sai trái với mình, còn Tức thì nó xui mình dồn “cục lửa” vào trong. Năng lượng dồn vào trong không được chuyển hoá có thể làm cho bản thân mình chịu ấm ức hoặc sẽ bùng nổ lên một ai đó, vào một thời điểm nào đó mà mình không lường trước được.

Khi lắng nghe episode #7 của ngày hôm nay, bạn sẽ nhận ra trong câu chuyện của mình, Tức đến là để truyền tải thông điệp “Mình đã đóng góp nhiều cho xã hội mà cuộc sống lại bất công”. Và đây cũng chính là NIỀM TIN GIỚI HẠN (limiting belief*) của mình vài năm về trước.

Niềm tin “Mình đã đóng góp nhiều cho xã hội mà cuộc sống lại bất công” đã làm cho mình cảm thấy tủi thân, chỉ ngồi khóc, đổ lỗi cho số phận/ cho ông trời và không thèm nỗ lực gì nữa.

Thật may là chúng ta đã có sẵn một vài câu hỏi màu nhiệm từ những người thầy đi trước, để giúp vượt qua những niềm tin giới hạn này.

1.  Niềm tin này từ đâu mà có?

2.  Có những chứng cứ nào cho thấy niềm tin này đúng?

3.  Có những chứng cứ nào cho thấy niềm tin này sai?

Nếu “may mắn”, bạn sẽ dễ dàng tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh niềm tin bị sai và dễ dàng chuyển hoá năng lượng của Tức thành những kế hoạch hành động rõ ràng (như trong câu chuyện của mình).

Nếu không may lắm (bạn vẫn còn thấy niềm tin giới hạn đúng quá chừng 😊) thì bạn có thể thử thêm vài câu hỏi tiếp theo nhé:

4.  Niềm tin này đang mang lại những lợi ích gì cho bạn?

5.  Niềm tin này đang gây ra những tác hại nào?

6.  Nếu phải cân “lợi ích” và “tác hại”, bên nào đang nặng hơn?

7.  Chọn lựa hành động của bạn là gì?

Theo trải nghiệm của mình, cảm xúc chẳng rảnh rỗi đến thăm mình mà không có lý do 😊. Mỗi khi chúng đến là mong muốn truyền tải một thông điệp nào đấy. Những cảm xúc làm cho mình khó chịu luôn nắm giữ một niềm tin giới hạn cần mình giải quyết. “Trò chuyện” với những người bạn cảm xúc giúp mình nhìn ra những niềm tin đang giới hạn tiềm năng của bản thân. Từ đó có chọn lựa phù hợp để đi đến mục tiêu của mình nhanh hơn.

Chúc bạn cũng sẽ tìm được nhiều insights thú vị từ những người bạn cảm xúc đang đến thăm bạn mỗi ngày!

P.S.:

*Niềm tin (belief): Hiểu nôm na thì niềm tin là bất cứ điều gì mỗi cá nhân cho là đúng. Chúng được hình thành từ trải nghiệm sống rất riêng của mỗi người, không ai giống ai và điều quan trọng hơn cả là: Niềm tin quyết định hành động, có nghĩa là chúng ta sẽ làm tất cả để có thể sống đúng với niềm tin của mình.

*Niềm tin giới hạn (limiting belief): là những niềm tin đang giới hạn tiềm năng, là rào cản trên con đường đi đến mục tiêu của mỗi chúng ta.

Apr 13, 202205:24
Episode #6: Compassion (Thương)

Episode #6: Compassion (Thương)

“Đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu cho họ thì có làm cho mình trở thành một team leader yếu đuối?”

Không ít lần mình gặp được hỏi câu thú vị này và mình hoàn toàn hiểu nỗi băn khoăn của các bạn/ các anh chị đang dẫn dắt đội nhóm.

Nhớ lại hồi xưa, khi mỗi còn ngày xách giỏ đến công ty, chẳng hiểu từ khi nào và bằng cách nào mà cái NIỀM TIN: “Thấu hiểu cho người khác sẽ làm cho mình trở nên yếu đuối và không thể trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng” lại ăn sâu trong suy nghĩ của mình qua năm tháng.

Nhưng mà có thật vậy không?

Nếu các bạn đã đọc cuốn “Lead with your strengths” của Tom Rath (tác giả của StrengthsFinder 2.0), Compassion là một trong bốn tố chất quan trọng tạo nên một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng. Kết quả dựa trên một nghiên cứu của Gallup với 10.000 nhân viên.

Trong nghiên cứu này, Gallup đã tiến hành khảo sát với hai câu hỏi đơn giản:

1.  Người lãnh đạo nào có ảnh hưởng tích cực nhất trong cuộc sống hàng ngày của bạn? (Khi bạn đã có ai đó trong tâm trí, vui lòng liệt kê tên viết tắt của họ).

(Nếu người trả lời kể tên một ai đó, Gallup sẽ tiếp tục với câu hỏi thứ 2)

2.  Bây giờ hãy liệt kê ba từ mô tả chính xác nhất những gì người này đóng góp cho cuộc sống của bạn.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về kết quả, hãy tự mình trả lời hai câu hỏi trên. J

Trong các workshop mình được tham dự, khi các bạn trong nhóm được đề nghị kể lại một kỷ niệm đáng nhớ về sếp trực tiếp của mình, những câu chuyện về Compassion bao giờ cũng chạm đến trái tim của nhiều người. Đã có những giọt nước mắt từ sếp và nhân viên. Và không ít lần mình đã nghe những câu như “Sếp đi đâu nhớ cho em theo.”

Thông điệp của Compassion rất đơn giản: "Tôi hiểu bạn đang gặp khó khăn gì và tôi sẽ ở bên bạn trong thử thách này".

Compassion's message: I am with you in your challenges.

The Field Guide to Emotions by Dan Newby and Curtis Watkins.

Do đó, trong những tình huống căng thẳng, bạn có thể chọn lựa

(1)  Nghe theo lời của Giận “chuyện này sai” và ngay lập tức dùng năng lượng của Giận để trừng phạt người đã làm cho mình giận

hay

(2)  Dừng lại suy xét và chuyển hoá năng lượng của Giận thành Thương (Compassion) để tìm giải pháp và xử lý việc hợp lý hợp tình.

Sự chọn lựa là ở bạn!

Mời bạn lắng nghe Podcast #6: Thương (Compassion). Trong episode này, mình kể lại một trải nghiệm cảm nhận được Compassion từ một anh Chủ tịch công ty khi còn làm ở vị trí cũ.

Apr 06, 202206:22
Episode #5: Giận

Episode #5: Giận

Bạn có đang gặp rắc rối với những cơn Giận? Giận có làm cho bạn nổi trận lôi đình rồi sau đó lại thấy áy náy, khó chịu vì chuyện đã qua? Giận có đang làm bạn mệt mỏi, kiệt sức sau mỗi ngày làm việc?

Có thể nói Giận là cảm xúc thân thiết với mình có đến vài chục năm. J Mình đã từng chấp nhận Giận như một phần bản tính trời sinh không thể nào thay đổi được, chấp nhận luôn “tai tiếng” mà Giận mang đến cho mình: “nóng tính” hay “aggressive” J.

Trên hành trình tìm hiểu về Mindfulness, về coaching và thế giới cảm xúc, mình đã được học một vài điều thú vị về “bản chất” của Giận nên giờ đã có thể phần nào chuyển hoá được những cơn giận vẫn hay lui tới trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

“Mỗi cảm xúc đều mang theo năng lượng, xui khiến mình hành động theo ý của chúng”

Đây là bài học đầu tiên làm mình “mở mắt” ra. Bài học này đến từ định nghĩa của cảm xúc: Emotion hay E-motion hay còn gọi là Energy in motion.

Khi nhận được tin vui (được lên chức, thưởng, được đi chơi xa…), có phải bạn sẽ cười, thấy lòng phơi phới (còn mình thì có đôi khi muốn nhảy tưng tưng nữa =))). Đó là vì Vui (Joy) mang theo nguồi năng lượng của mừng vui/ của tiệc tùng. Vui hay “xúi” mình ăn mừng, tự thưởng cho bản thân hoặc chia sẻ niềm vui với người thân/ bạn bè xung quanh.

Khi Buồn ghé thăm, có phải bạn sẽ cảm thấy cả cơ thể mình nằng nặng, chỉ muốn ngồi ì một chỗ, ngắm trời trăng, mây nước và không làm gì nữa?

Còn Giận thì sao? Năng lượng của Giận rất mạnh mẽ. Bạn cảm xúc này sẽ xui khiến ta trừng phạt người đã làm mình giận. Trừng phạt ở đây có thể là email nói những lời gây tổn thương nhau, méc sếp cấp cao hơn, nhăn mặt nhíu mày, nói to tiếng, đập bàn hoặc cũng có thể là ăn thua đủ/ tấn công người khác.

Đọc đến đây chắc bạn cũng như mình, nhận ra rằng, nếu chúng ta cứ “nhắm mắt” làm theo những điều cảm xúc xui khiến, thì nhiều khả năng sẽ có những quyết định/ cách hành xử làm mình áy náy/ hối tiếc về sau.

“Hiểu thông điệp của Cảm xúc có thể giúp ta chuyển hoá năng lượng của chúng dễ dàng”

Bài học thứ hai này đã giúp mình “thoát khỏi” sự xui khiến của các bạn Cảm xúc. Mình học được là mỗi cảm xúc đều có thông điệp rất riêng. Nếu mình có thể hiểu rõ thông điệp của chúng, kiểm chứng lại những thông điệp này là mình có thêm chọn lựa để hành động và ra quyết định.

Giận mang thông điệp: Điều này sai/ bất công.

(Anger: This is wrong or unjust.

The Field Guide to Emotions by Dan Newby and Curtis Watkins)

Nếu mình có thể bình tâm và tự hỏi:

1.  Điều gì sai trong tình huống này?

2.  Điều này có thật sự sai/ bất công không khi đặt mình vào vị trí của người đã làm mình giận?

3.  Đâu là giải pháp có thể mang lại công bằng cho cả hai?

Khi trả lời được ba câu hỏi này là chúng ta sẽ có thêm chọn lựa cho cách hành xử của mình chứ không phải chỉ có một chọn lựa duy nhất là trừng phạt người kia (như xui khiến của Giận).

Mời bạn lắng nghe podcast #5: Giận. Trong podcast này, mình kể lại trải nghiệm học được cách đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu góc nhìn của họ về sự việc làm cho mình giận.

Trên hành trình phát triển bản thân của riêng mình, đây là một trong những bài học vô cùng quý giá. Nó giúp mình nhanh chóng “hạ nhiệt” trong những tình huống căng thẳng, có những cách hành xử/ quyết định ít làm mình hối tiếc, giúp tâm trí mình mở rộng, nhìn cuộc sống nhiều chiều hơn, chấp nhận nhiều hơn và có nhiều bình an hơn.

P.S.: Nếu bạn có câu hỏi nào, vui lòng email đến loveyouremotions@gmail.com. Nếu mình biết câu trả lời, mình sẽ hồi âm trong những tập tiếp theo.

Apr 02, 202206:25
Episode 4: 7 bước làm nên một yêu cầu hiệu quả
Mar 31, 202210:35
Episode #3 - Thất vọng
Mar 25, 202207:19
Episode #2 - Bình an
Mar 11, 202204:59
Episode #1. Giới thiệu Love YOUR Emotions podcast
Mar 11, 202207:20